Tuesday, October 8, 2013

Bài chia sẻ trong thánh lễ cầu cho Ls Lê Quốc Quân tối 29/9 tại nhà thờ Thái Hà

Lm. Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R.
Chia sẻ bài viết này
TÔI HY VỌNG CÁC BẠN HÃY ĐỌC BÀI CHIA SẼ NÀY, NHẤT LÀ NHỮNG NGƯỜI QUÊ HƯƠNG LUẬT SƯ QUÂN.
CÓ NGƯỜI HỎI, TRONG LÚC NÀY CHÚNG TÔI LÀM ĐƯỢC GÌ ? THƯA CÁC BẠN CHỈ CẦN CẦU NGUYỆN VÀ CỐ GẮNG CÓ MẶT TẠI TÒA ÁN HÀ NỘI LÚC 8 GIỜ SÁNG NGÀY MÙNG 2 THÁNG 10. ĐỂ ĐỒNG HÀNH, ĐỒNG CẢM VỚI LUẬT SƯ QUÂN VÀ NHIỀU NGƯỜI. Tòa án xử công khai mọi người có quyền tham gia.
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, quý thân hữu của gia đình luật sư Lê Quốc Quân,
Hôm nay, chúng ta cùng hiện diện nơi đây để cùng nhau dâng thánh lễ cầu nguyện cho luật sư Lê Quốc Quân, một tín hữu công giáo. Ông đang là nạn nhân của những bất công xã hội, của một nền pháp lý được dựng nên để bảo vệ cho một nhóm những người chủ trương “còn đảng còn mình”.
Luật sư Lê Quốc Quân à ai? Hẳn nhiên ai trong chúng ta cũng đã biết? Ông bị nhà cầm quyền bắt và khép vào tội trốn thuế phi pháp như thế nào và mục đích mà nhà cầm quyền dựng lên vụ án “Lê Quốc Quân trốn thuế” nhắm mục đích gì thì chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã rõ?
Vì thế, hôm nay, trong ngày chúng ta cùng hiện diện để cầu nguyện, để cùng đồng hành cách thiêng liêng với ông lúc này, tôi muốn mời gọi cộng đoàn cùng suy niệm những lời của Chúa nói với chúng ta hôm nay.
Có thể nói trước rằng, lời Chúa hôm nay rất thích hợp cho chúng ta cùng suy tư và cầu nguyện cho công lý và hòa bình, cách riêng cầu nguyện cho quê hương đất nước được thoát khỏi một vực sâu nguy hiểm có thể đẩy dân tộc và đất nước đến chỗ bị lưu đầy ngay trên chính quê hương mình.
Trước tiên, hôm nay, Hội thánh đọc lại cho chúng ta nghe những lời của Ngôn sứ Amos. Ngôn sứ Amos sinh vào thế kỷ 8 TCN. Ông được mệnh danh là vị ngôn sứ của người nghèo và người bị áp bức. Đất nước Do thái thời ông đang lâm vào một tình cảnh rất giống với đất nước chúng ta bây giờ. Một đất nước đang bị ngoại bang dòm ngó. Trong khi đó, quan lại, những kẻ có chức có quyền thay vì lo cho dân cho nước, quyết tâm chống ngoại bang, quy tụ lòng dân tạo lập sức mạnh, thì họ lại sống xa hoa trên nhung lụa, ăn chơi trác táng, xây biệt thự (3,15), trang trí nội thất, ăn nhậu tiệc tùng (6,4-6), buôn bán sầm uất (8,5), mua quan bán chức, phe nhóm…Nói như TBT Nguyễn Phú Trọng mấy ngày nay đó là một đất nước mà “tham nhũng như ghẻ ngứa”, quan chức “ăn của dân không từ thứ gì” (Nguyễn Thị Doan) hay tham nhũng là “cả một bầy sâu lúc nhúc” (Trương Tấn Sang).
Nhân danh Thiên Chúa, ngôn sứ Amos kịch liệt lên án cuộc sống sa đoạ và những bất công đó. Ông chỉ trích những thói tham lam, lọc lừa và nặng lời kết án những người giàu bất chính, áp bức, khinh dể kẻ nghèo.
Ông công kích sự an tâm giả tạo khi người ta lấy lễ nghi tôn giáo để che đậy cho những việc làm xấu xa; đặc biệt, ông lên tiếng cảnh tỉnh người dân, nhất là hàng ngũ lãnh đạo đất nước đang xa lánh dân tộc, đất nước, tạo nên những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của đất nước và nếu họ không thay đổi dân Do thái sẽ phải bị lưu đầy, xa quê hương, xa tổ quốc; còn những ai ở lại, dù cầm hộ chiếu trên tay, thì cũng sẽ là những người bị lưu ngay trên quê hương mình.
Theo Amos, nguyên nhân quan trọng nhất khiến đất nước loạn lạc chính là sự vô cảm nơi con người. Sự vô cảm nơi các vị lãnh đạo xã hội và tôn giáo khiến họ có thể trở thành kẻ bán nước, cấu kết với ngoại bang. Sự vô cảm nơi người giầu đối với kẻ nghèo khiến cho sự bất công ngày càng tăng, khiến cán cân kinh tế và xã hội bị ngả nghiêng. Sự vô cảm của người dân nói chung sẽ làm cho sự dữ hoành hành…
Nhưng, do đâu có sự vô cảm? Amos cho rằng, người ta vô cảm chính là do bởi người ta đã làm biến chất đời sống tôn giáo. Tôn giáo thay vì là giềng mối của những đường hướng đạo đức, thì nay đã trở nên thứ tôn giáo lễ hội, phục vụ kẻ cầm quyền, trang hoàng cho chế độ. Tôn giáo thay vì phục vụ công ích thì lại phục vụ cho một nhóm người là kẻ có quyền. Điều bi đát nhất chính là việc những người lãnh đạo đã bất chấp luân lý, truyền thống văn hóa, dựng nên một thứ tôn giáo giả hiệu, nhằm thần thánh hóa một con người – được coi như lãnh tụ, họ tầm thường hóa tôn giáo, giải thiêng tôn giáo, phàm tục hóa tôn giáo, khiến xã hội bị ngả nghiêng.
Như vậy, theo Amos, vô cảm chính là nguyên nhân khiến xã hội loạn lạc, đất nước suy vong, nhân tâm suy kiệt, các nhà trí thức - nguyên khí đất nước suy bại, văn hóa và đạo đức suy đồi, để rồi sau đó, dân Do thái bị lưu đầy mấy trăm năm và cho tới ngày nay vẫn chưa thể phục hồi được dù họ đã có rất nhiều cuộc hồi hương.
Kính thưa cộng đoàn,
Dụ ngôn người Phú hộ và anh Lazarô trong bài Tin mừng hôm nay cũng nói với chúng ta về sự vô cảm nơi con người. Sự vô cảm được thánh Luca diễn tả bằng thái độ thiếu sự liên đới giữa người phú hộ và Lazaro. Thông thường thì người ta vẫn quan niệm, tôi có tài sản, tôi được hưởng thụ, không có tội gì trong sự xa hoa của bản thân. Quan niệm thông thường đó luôn bị Chúa kết án, đơn giản bởi, tất cả mọi người đều bình đẳng và cùng chia sẻ một trách nhiệm chung trong vấn đề tài sản. Nói như triết gia Jolip: “Tôi có là gì là do những người đã đi qua đời tôi tạo nên”. Con người sống là liên đới với nhau. Do đó, khi người ta không quan tâm tới người khác, nhất là hưởng thụ trên sự đau khổ của người khác, coi thường nhân cách con người, thì – như bài Tin mừng cho thấy. sẽ có một vực thẳm, một sự đổ vỡ không gì có thể hàn gắn được. Khi con người sống vô cảm như thế, khi con người không còn quan tâm tới tha nhân, coi thường sinh mạng và phẩm giá con người, thì bi kịch sẽ xảy ra trên mọi bình diện của cuộc sống và bi kịch lớn nhất chính là con người sẽ bị nô lệ hóa bởi các thế lực sự dữ, xa hơn có thể vong bản và mất nước.
Kính thưa cộng đoàn,
Hôm nay, chúng ta hiện diện nơi đây để cầu cho công lý và hòa bình, cách đặc biệt cầu nguyện cho Luật sư Lê Quốc Quân và gia đình ông. Chúng ta không có nhiều thời giờ để có thể nói với nhau tất cả mọi chuyện liên quan tới những lời của Chúa muốn nói với chúng ta ngày hôm nay. Dù không nói hết được, nhưng những gì mà chúng ta vừa chia sẻ và nói với nhau, đó là những điều hết sức quan trọng, cấp thiết không chỉ đối với cá nhân mỗi chúng ta mà rộng hơn đó là chuyện quốc gia đại sự đang rất cấp bách hiện nay.
Điều Chúa nói với chúng ta hôm nay chính là: “mỗi người đừng vô cảm nữa”.
Nếu chúng ta tiếp tục vô cảm, sẽ có rất nhiều những nạn nhân như Lê Quốc Quân - biết đâu có khi là một trong số những người chúng ta đang ngồi ở đây, bởi sự vô cảm chính là đồng lõa với sự dữ. Thiết nghĩ đã tới lúc chúng ta cần liên đới với nhau, để cùng nhau xây dựng một xã hội dân sự đúng nghĩa, để cùng nhau lên tiếng cho những nan đề xã hội đang là nguy cơ gây nên những bất công, bất ổn xã hội.
Tất cả chúng ta ai cũng biết nguyện nhân gây tang thương cho dân tộc này hơn sáu mươi năm qua nó bắt đầu từ đâu? Ngôn sứ Amos xem sự xuống cấp của đất nước ông là sự vong bản, đánh mất tinh thần tự cường dân tộc, do tiếp nhận một cách thiếu suy xét những ý thức hệ xa lạ với văn hóa dân tộc, xa lạ với hầu hết các nền văn hóa và văn minh thế giới, trái với đức tin và phong hóa, khiến đất nước bị lưu đầy gần 60 năm và hiện nay nhiều người vẫn đang bị tản lạc khắp thế giới. Nếu chúng ta tiếp tục vô cảm trước những xâm lấn về biển đảo, văn hóa, chính trị của người bạn vàng 4 tốt, vô cảm trước những việc làm phi pháp, không vì công ích, vì nước, vì dân của giới lãnh đạo, thì việc mất nước có lẽ sẽ không còn xa. Khi đó, chúng ta sẽ có tội với Chúa, với tổ tiên và với cả con cháu mình, vì đã không giữ gìn toàn vẹn di sản Chúa ban, như Lý Thường Kiệt đã tuyên bố cho các thế lực ngoại xâm: “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư. Tuyệt nhiên định phận tại Thiên thư”.
Thiết nghĩ, chúng ta những người Công giáo, như ngôn sứ Amos, chúng ta được mời gọi trở nên những ngôn sứ giữa xã hội Việt Nam hôm nay. Sứ mạng ấy đòi tất cả chúng ta sự can đảm, dấn thân, chống lại những bất công xã hội, trước hết và trên hết bằng việc sống những gì mà thánh Phaolo nói với chúng ta trong bài học thứ hai hôm nay: “Hỡi người của Thiên Chúa, hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của đức tin. Hãy cố đoạt lấy sự sống đời đời mà con đã được kêu gọi tới và cũng vì đó, con đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin trước mặt nhiều nhân chứng.”
Tóm lại: “Tổ quốc lâm nguy! Xin đừng vô cảm!” Đó là những gì Chúa nói với chúng ta hôm nay. Chúng ta hãy bắt tay vào việc cải tạo xã hội bằng việc mỗi người bắt đầu cải tạo chính tâm hồn mình, bước ra khỏi sự vô cảm để chung tay xây dựng một xã hội đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
29/9/2013
Lm. Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R.

No comments:

Post a Comment