Trần Khải Thanh Thủy: Trao đổi với một số người quan tâm đến hiện tình đất nước, tôi nghe anh em tâm tình: “Lê Quốc Quân bị chính quyền cộng sản để ý, bắt bớ, đánh đập, “lưu kho” có lẽ từ ngày anh đứng ra ứng cử Đại biểu quốc hội. Khác với Cù Huy Hà Vũ, chính quyền cộng sản chỉ cho anh Vũ là “chơi trèo”, “thích nổ” nên lặng lẽ cho qua, còn Lê Quốc Quân thì tà quyền biết rõ là Quân không đùa, Quân nói là làm, làm theo đúng đạo của người quân tử:
Một lời đã trót nói ra
Dẫu là bốn ngựa cố mà đuổi theo
Huống hồ Quân không phải “chót nói ra” những dự định ấp ủ làm thay đổi thực trạng xã hội, trong bối cảnh bùng nhùng, lạc hậu, dốt nát đui mù từ sự lãnh đạo“ tài tình” và sự hy sinh to béo của đảng ta, mà là kết quả của nhiều đêm suy nghĩ, dằn vặt, muốn đem tài năng thi thố với đời, loại bỏ cái ác, cái xấu ra khỏi môi trường xã hội bằng bất cứ giá nào: “Dù thân này xương tan thịt nát, cũng đành lòng dâng hiến tài năng”.
Giữa bày đàn ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm, hoặc tồi tệ hơn - như những con vịt rúc đầu vào cánh ngủ trong mưa, không hiểu bầu trời, không hiểu sấm, thì Quân lại chọc trời như chim báo bão, như đại bàng, khổng tước, xé gió lao lên, làm chủ cả khoảng trời bao la rộng lớn, sừng sững vách đá lô nhô, làm sao những kẻ bẩn bụng, dốt nát chịu... chống mắt đứng nhìn?
Bởi kiên định với mục đích mình lựa chọn, mà Quân phải trải qua bao hung hiểm. Bắt đầu bị nhà cầm quyền để ý, cử người theo dõi và bắt nóng vào tháng 3 -2007. Sau gần bốn tháng được thả, lại lặp đi, lặp lại bài bản quen thuộc: Cử người đóng chốt, bám đuôi, theo dõi 24/24 giờ rồi bắt nóng, bắt nguội một ngày, ba ngày lại chín ngày...Không kể việc bị các đồng chí công an giả danh côn đồ đánh đập ngay trong khu tập thể.
Bây giờ chạm vào làn hơi lạnh toát, chết chóc, rỉ ngoèn phả ra từ những cánh cửa sắt nặng chịch của Hỏa lò, Quân vẫn vẹn nguyên một cốt cách làm người của mình: Kiên trung, đứng thẳng, không sợ sệt, không mắc bẫy, dù hỏa lò - địa ngục gấp trăm ngàn lần so với các trại tạm giam cấp quận, phường hoặc của B14 - trực thuộc Bộ công an mà Quân đã từng trải qua trước đó.
“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Chính tôi cũng “vinh dự” đi trên chiếc “cầu” Hỏa lò này 6 tháng 21 ngày nên biết rõ khúc đoạn trường này ai oán, uất hận đến mức nào, có lẽ chỉ kém đoạn...đầu đài một bước chân.
Cả buồng tù dài, rộng khoảng 50 mét vuông, nhốt kín 40, 50 người, mỗi người vẻn vẹn hai gang tay, nghĩa là bị ăn gian mất 1/3 so với cái quy định nổi tiếng “nhân đạo” (gấp triệu lần tư bản) của cục V26, đứng đầu là tên Thái thú họ Cao*, mà mức độ gian manh, hiểm độc, trơ lì, ăn bẩn còn cao gấp cả trăm nghìn lần tên Thái úy Cao Cầu trong lịch sử Trung hoa.
Bình thường, sinh ra làm người phải cần hai thứ tối thiểu đó là không gian để sinh tỏa và thời gian để khẳng định mình. Trong tù - đặc biệt vào những ngày oi bức, nóng nực này, không gian như cái chảo lửa khổng lồ úp chụp xuống cơ thể gày gò, trần trụi của người tù, lại thêm diện tích qúa eo hẹp, người nọ ép sát người kia như cá mòi xếp trên khay chuẩn bị đưa vào lò nướng, nóng bức đến nỗi óc não người tù cứ như bơ hơ trên lửa, chảy xèo xèo, còn bụng dạ, ruột rà cứ bỏng rát lên từng đoạn như thể bị ai thò tay vào bóp bẹp, vặn xoắn rồi căng ra dưới nắng mặt trời. Cả buồng hổn hển vì thiếu ô xy, khí thở làm ngực nhói lên từng cơn sau mỗi nhịp đập. Cảm giác nóng bỏng ngột ngạt còn len vào tận làn da, thớ thịt, khiến người lúc nào cũng nhớp nháp cáu bẩn vì mồ hôi, không khí oi nồng, đặc quánh vây hãm. Không còn không gian để tồn tại, sống sót, nói chi đến sinh tỏa? Thời gian cũng ngừng trong tê tái, đến mức tôi phải viết:
Ta ép chặt trái tim
Để giết chết nỗi buồn
Trong nhà tù Cộng sản
Bao ước mơ nhấn chìm
Ngày gọt bớt suy tư
Đêm xén mòn tâm tưởng
Bảy tháng trời chết chóc (1)
Hồn ta thành vườn hoang
Ngoài trời mây thôi bay
Đời ta trong ngục tối
Chẳng sao trời dọi tới
Không hoài vọng mảy may
Sáng qua rồi trưa tới
Ta kiệt quệ mỏi mòn
Ôi số phận tai ương
Bao nhiêu là nghiệp chướng
Ngày hai bữa ăn thì chỉ có cơm hẩm và bí hấp rắn câng quanh năm( một ngày chỉ được chia một lần một miếng nhỏ bằng 1/3 bàn tay). Nước vừa bẩn vừa khan hiếm. Cánh chị em cẩn thận lồng 3 đôi bi tất vào vòi của bể nước để lọc hết cặn, bùn, cát, sỏi, bèo hoa dâu v.v để lấy nước tắm giặt. Còn cánh đàn ông vốn không cầu kỳ, tỉ mỉ như chị em thì lãnh đủ... Chưa kể mỗi ngày chỉ được ba gáo nước tắm: 50 người chia làm 5 tốp, lần lượt theo lệnh của trực buồng, cởi truồng nồng nỗng ngay cạnh bể nước. Người được giao nhiệm vụ trực bể múc nước dội ào ào một loạt, mỗi người một gáo rồi dõng dạc hô: “Kỳ cọ cho hết mùi tù đi, rõ chưa?” Sau khoảng một phút lại dội tiếp hai gáo nước tráng rồi... biến để còn lấy chỗ cho mười người của tốp sau. Cứ thế cho đến người cuối cùng là cạn sạch bể nước... Tất cả công đoạn kỳ cọ, vệ sinh thân thể tắm táp của cả buồng diễn ra chưa đầy nửa tiếng.
Chính sự chật chội, bẩn thỉu, nóng nực là nguyên nhân gây ra bệnh ghẻ lở, hắc lào cho hầu hết cánh đàn ông của trại (99%).
“Nhà mét” mới là nơi đặc trưng cho tù ở hỏa lò. Gọi là nhà mét vì tổng diện tích giành cho việc tiểu tiện, vệ sinh chỉ vẻn vẹn một mét. Dù đầu vào đông đến đâu thì “đầu ra” của cánh tù nhân cũng chỉ ngần ấy, không hơn, không kém. Bao gồm hai bệ xí và một thùng phuy đựng nước...Tất cả phơi ra, phô ra dưới thanh thiên bạch nhật, đến mức người nào “đi” nhanh hay chậm, mức độ lên men của vi sinh vật gây thối trong ruột già như thế nào? (Thối nhiều hay thối ít). Hay đi vào giờ nào? Bị Tào Tháo đuổi hay táo bón... cả phòng đều biết, vì nhà mét thông luôn với bệ ngủ nên một người có nhu cầu “xổ ruột” là 49 người còn lại có nhu cầu bịt mũi, chu tréo, chửi đổng...
Không kể nạn đại bàng, đầu gấu hoành hành. Vốn đã mất hết nhân tính mầm thiện, lại thêm tương lai là một hố thẳm trước mặt, nên hễ ngứa mắt là chúng nện, nhiều khi chỉ là vài hột lạc, thìa ruốc, gáo nước nóng chia không đều là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, đánh nhau chí chết. Ít nhất trong gần 7 tháng trời ở đó tôi chứng kiến cả chục cái chết của cả hai khu vực nam nữ. Chết vì bệnh tật, suy dinh dưỡng, vì đói ăn rồi đánh nhau, nện cả xoong đựng cơm vào mặt, vào đầu nhau, cho đến khi xoong bẹp dí và người thì tả tơi, xiêu vẹo, người chết gí dưới đống xoong nồi. Không kể khu vực trạm xá, chuyên nhốt những kẻ dính Aids ở giai đoạn cuối, ngày nào ít nhất cũng có một con nghiện ra đi, có ngày cả 3 đứa cùng rủ nhau đi cho vui mà không khí toàn trại vẫn điềm nhiên tĩnh lặng, “như chưa hề có cuộc chia ly”.
Giữa nơi sinh tử như vậy, gắng gượng để tồn tại đã là một điều cố gắng lớn, vậy mà Quân còn làm thơ:
Việt Nam ơi đất trời tổ quốc
Trong trái tim con cháu Lạc Hồng
Việt Nam ơi tên Người thổn thức
Trong máu xương nước mắt nụ cười
... Những câu thơ hào sảng của Quân viết trong bốn bức tường của Hỏa lò mà mỗi từ nặng như một quả bom tấn, mang sức công phá hủy diệt đảng cộng sản đã đành còn là lời kêu gọi người dân đứng dạy, tiếp bước cha ông, giành lại non sông gấm vóc sắp mất vào tay tàu khựa:
Việt Nam ơi tên người vẫy gọi
Đứng lên đi quét sạch bóng thù
Đứng lên đi dựng lại cơ đồ.
Xây nước Việt đời đời bền vững
Lại một lần nữa lãnh đạo cộng sản phải vò đầu bứt trán vì những vần thơ bất tử của Quân. Cả sáu bài thơ như một tràng cười ngạo nghễ, thách thức mà trước đó nhà thơ Phùng Cung - văn nhân giai phẩm đã viết:
Giam người giam được miệng người ư?
Ngục tối càng thêm dậy tiếng thơ
Vui với văn chương mà mắc tội
Nợ cùng non nước mắc lao tù
Ngăn mây, mây chặn thành mưa lớn
Chặn thác, thác dồn hoá sóng to
Ai sợ hoả lò, lò thử lửa
Thơ ca nảy lửa, lửa nung lò...
Một chế độ mà quan tòa chỉ nhăm nhăm làm theo mệnh lệnh đốn mạt của đảng, đến ốm cũng phải ốm theo... chỉ đạo để hoãn phiên tòa thì đất nước đã đến hồi mạt vận. Huống hồ còn cam tâm đem hết các nhà báo, lại luật sư, trí thức, thanh niên công giáo yêu nước ra xử, xem ra câu nói của nhà bác học Lê Quý Đôn đã thành hiện thực:
Người tài không dùng, sĩ phu ngoảnh mặt
Tướng dốt lại kiêu, hành binh sĩ nhược
Tham nhũng tràn lan
Nước mất nhà tan... lúc này đã rõ
Những vần thơ nảy lửa, nung lò của Quân (phải đổi bằng giá máu vì trong tù cấm sử dụng bút viết và giấy) chắc chắn sẽ góp vào việc giải thể chế độ cộng sản một ngày không xa. Bởi người dân - vốn đã cạn kiệt niềm tin với đảng, với chế độ - như đám lá khô gặp gió, sẽ bùng lên dưới ngọn lửa thoát ra từ những bài thơ bất tử của Quân, thiêu rụi đảng ta trong một ngày
82 năm trước Lý Tử Trọng bị chính quyền thực dân Pháp kết án và được người Pháp kính cẩn gọi bằng “ông nhỏ” thì trong thời điểm vô cùng căng thẳng, sôi động này, Lê Quốc Quân xứng đáng là một “ông nhỏ” thứ hai của Việt Nam, một ông nhỏ - vốn nhỏ về thể tạng, nhưng tâm hồn, tình cảm trí tuệ hệt như một đập nước lớn có thể cuốn trôi chế độ xuống ống cống xã hội chủ nghĩa khiến lũ âm binh của đảng phải ra lệnh hoãn phiên xử, hy vọng số anh em, họ hàng, nội ngoại từ Nghệ An cũng như số bà con giáo dân Thái Hà hạ hỏa, không kéo ra ngập đường Hai Bà Trưng và Lý Thường Kiệt (nơi diễn ra phiên tòa) để những ngày sau đó phiên tòa sẽ diễn ra xuôn xẻ, theo đúng kịch bản dựng sẵn của bè lũ bán nước, hèn với giặc ác với dân... Song ý dân là ý trời, dù phiên tòa bị hoãn, song lòng người vẫn sục sôi khí thế hờn căm ai oán, ngột thở, quyết đi đến tận cùng chân lý để tìm tự do, và quyền làm người đích thực của mình, vì vậy, càng giam người đảng càng sợ hãi.
Bão nổi lên rồi từ Nghệ An quê hương thân yêu
Từ Trịnh Nguyễn lan qua Văn Giang lan tới phiên tòa
Triệu người bừng bừng cùng tòa thánh thắp nến sáng chói
Khí thế sôi sục tràn về Hà Nội
Tình thương Quân sục sôi tim muôn người**
Trong cơn bão nổi từ lòng dân, có một phần không nhỏ từ những vần thơ hào sảng, nung chảy cả bốn bức tường giam tại Hỏa lò của “ông nhỏ” Lê Quốc Quân.
Sacramento 13/7/2013
No comments:
Post a Comment